Tiết học đáng nhớ

         Sinh hoạt chuyên môn theo hướng “nghiên cứu bài học” là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên trong những năm gần đây của trường Tiểu học Tiền Phong. Ngay từ đầu năm học 2019- 2020, nhà trường đã xây dựng kế hoạch tổ chức sinh hoạt chuyên môn cho giáo viên.

        Theo sự phân công của ban giám hiệu cùng tổ chuyên môn đồng chí Phạm Thị Thanh Hòa  đã dạy tiết tập đọc - lớp 4: “Gà trống và Cáo” vào ngày 9/10/2019. Đồng chí Phạm Thị Thanh Hòa đã trao đổi với tổ chuyên môn để xây dựng phương án lên lớp dạy tiết học này.

     Đón các thầy cô giáo bằng lời chào lễ phép, nụ cười thân thiện là gương mặt của 34 em học sinh lớp 4A.

      Mở đầu tiết học cô Hòa đưa ra cho lớp quan sát một bức tranh và đặt câu hỏi mang tính chất trò chuyện rất tự nhiên: “Bức tranh vẽ nhân vật nào?”, “Em thử dự đoán xem hai nhân vật này đang làm gì?”. Câu hỏi của cô vừa dứt, em Tùng đã giơ tay xin được trả lời. Em Tùng nói: “Thưa cô, theo em bức tranh vẽ hai nhân vật đó là Gà Trống và Cáo ạ!” Tiếp theo là em Linh: “Em dự đoán hai nhân vật này đang nói chuyện với nhau ạ.” Tôi thấy được sự tự tin trong câu trả lời của hai em.

Linh nêu ý kiến của mình

         Cô Hòa tiếp tục kết nối: Hai nhân vật này đang nói chuyện gì với nhau? Tính cách của từng nhân vật được nhà thơ khắc họa như thế nào? Các em sẽ biết được câu trả lời  qua bài thơ ngụ ngôn: Gà Trống và Cáo.

         Cách dẫn dắt vào bài bằng hệ thống câu hỏi theo hướng “đặt vấn đề” thật logic đã dẫn dắt học sinh đến với bài học một cách tự nhiên.

        Lời nói của cô nhẹ nhàng mà rứt khoát: “Cô mời em Phương Linh đọc bài!”. Lúc này, học sinh cả lớp đã tham gia vào hoạt động học thực sự, không khí lớp học lắng xuống vì các em đều tập trung theo dõi bạn đọc. Bằng giọng đọc diễn cảm, Phương Linh đã giúp người nghe hiểu được phần nào tính cách của từng nhân vật: Gà Trống thông minh ăn nói ngọt ngào và hù dọa được Cáo, Cáo tinh ranh, xảo quyệt giả giọng thân thiện vẫn mắc mưu gà, phải hồn lạc phách bay mà bỏ chạy. 

       Sau khi đọc xong em Phương Linh đã mời các bạn đứng lên nêu ý kiến chia đoạn cho bài thơ. Nhờ có sự chuẩn bị bài chu đáo các em đã chia bài thơ thành ba đoạn một cách dễ dàng.

       Ở phần luyện đọc tiếp nối theo đoạn, tôi thấy học sinh đọc rất tốt. Sau khi đọc xong, các em đã nêu được từ khó đọc trong đoạn để giúp học sinh cả lớp luyện đọc từ khó đó đồng thời nhờ bạn giải nghĩa một số từ khó mà mình chưa hiểu. Sự phối hợp nhẹ nhàng giữa học sinh với học sinh giúp tôi hiểu rằng học sinh lớp 4A đã hình thành thói quen học tập rất tốt.

Học sinh đọc nối tiếp bài theo đoạn.

        Điều tôi thấy thú vị nhất trong giờ học là đồng chí Hòa đã chuyển việc làm của mình sang cho học sinh trong phần tìm hiểu nội dung bài. Ở phần này, em Hường đã thay cô dẫn dắt các bạn đi tìm hiểu nội dung bài. Đầu tiên, em cho các bạn trong lớp đọc thầm đoạn một và hỏi:

      - Bạn cho mình biết: Cáo đã làm gì để dụ Gà Trống xuống đất?

      Sau một vài phút đọc thầm và suy nghĩ tôi thấy một vài học sinh đã đưa ra câu trả lời. Em Khánh Linh nói:

       - Theo mình Cáo đã mời Gà Trống xuống đất để thông báo tin từ rày muôn loài sẽ kết thân với nhau, Cáo muốn Gà Trống xuống đất để Cáo bày tỏ tình thân. Em Hường lại hỏi:

      - Theo bạn từ ”rày” nghĩa là gì? Với câu hỏi này, tôi thấy nhiều học sinh lúng túng. Được sự giúp đỡ của cô giáo, các em đã hiểu: Từ “rày” có nghĩa là: từ đây trở đi.   

     Em Hương đang tổ chức cho các bạn trả lời câu hỏi

        Để biết được sự  thông minh của Gà Trống, em Hường đã chuyển đoạn bằng một câu hỏi rất lôi cuốn: Gà Trống đã làm gì để không mắc mưu Cáo các bạn cùng mình tìm hiểu tiếp đoạn hai nhé! Lúc này em Hường lại tiếp tục cho các bạn trong lớp đọc thầm đoạn hai và trả lời các câu hỏi:

     - Vì sao Gà không nghe lời Cáo?

     - Gà tung tin có cặp chó săn chạy đến để làm gì?

       Khi yêu cầu của em Hường vừa dứt, tôi thấy các em học sinh trong lớp đã tích cực đọc thầm. Sau gần bốn phút, tôi chỉ thấy có mấy em có phương án trả lời, không khí lớp học trầm, nhìn khuôn mặt của một số em đã thoáng chút hoang mang, lo lắng, chưa có biểu hiện gì là tìm ra câu trả lời. Dường như cô giáo đã nhận thấy được điều đó, cô đã gợi ý để các em chủ động tìm bạn chia sẻ. Lúc này, hình thức học tập hợp tác đã bắt đầu xuất hiện, các em quay sang nhau trao đổi theo nhóm đôi.

                                                                  Học sinh hình thành nhóm cộng tác

      Thời gian vẫn cứ tiếp tục trôi, không khí lớp học vẫn trầm lắng, sự hứng thú học tập của học sinh đã giảm đi. Thời gian hợp tác diễn ra cũng mất khá nhiều nhưng cũng chỉ có thêm một số em giơ tay xin được trả lời.

     Tôi thiết nghĩ giá như ở tình huống này khi thấy học sinh gặp khó khăn như vậy giáo viên nên thay đổi cách tổ chức hoạt động học. Em Hường nên cho các bạn đọc to để thu hút sự chú ý của các bạn học sinh trong lớp. Sau đó em Hường sẽ gọi nhiều bạn trả lời theo ý hiểu của mình để từ đó phát huy được tính mạnh dạn, tự tin của các bạn.

     Sang phần đọc và tìm hiểu nội dung đoạn ba, em Hường đã yêu cầu một bạn đọc to và trả lời các câu hỏi:

      - Thái độ của Cáo thế nào khi nghe Gà Trống nói?

      - Thấy Cáo bỏ chạy, thái độ của Gà Trống ra sao?

      - Theo bạn Gà Trống thông minh ở điểm nào?

       Ở hoạt động này, tôi thấy không khí lớp học có phần thay đổi. Các em biết tự hợp tác với bạn để tìm câu trả lời. Trái với vẻ mặt căng thẳng, lo lắng ở hoạt động tìm hiểu nội dung đoạn hai, giờ đây các em đã thoải mái, tự tin hơn rất nhiều. Các em tập trung suy nghĩ để tìm ra câu trả lời đúng. Đứng quan sát hoạt động này tôi thấy hai học sinh đã biết hợp tác với bạn để tìm sự trợ giúp. Lớp học trật tự, đâu đó chỉ nghe tiếng thì thầm trao đổi của học sinh. Sau hai,ba phút thảo luận, nhiều em đã giơ tay xin phát biểu ý kiến. Em Hải với vẻ mặt tự tin, dõng dạc trả lờì: Theo mình Cáo khiếp sợ, hồn bay phách lạc, quắp đuôi, co cẳng chạy.”

                              Em Hải tự tin trả lời câu hỏi

         Còn em Chi với câu trả lời: Gà Trống khoái chí cười phì vì Cáo bộc lộ bản chất, Cáo đã không được ăn thịt gà lại cắm đầu chạy vì sợ. Em Phương thì nói: “Gà đã thông minh không bóc trần âm mưu của Cáo mà giả bộ tin Cáo, loan tin cho cáo biết có cặp chó săn để Cáo khiếp sợ, bỏ chạy ...” Câu trả lời của các em nhận được sự đồng thuận của các bạn trong lớp.

         Với câu hỏi nhẹ nhàng của cô giáo: Bài thơ khuyên chúng ta điều gì? Học sinh cả lớp đã nắm được nội dung của bài thơ ngụ ngôn: Hãy cảnh giác, chớ tin lời kẻ xấu cho dù đó là những lời nói ngọt ngào.

      Kết thúc hoạt động tìm hiểu bài tôi vẫn còn thấy băn khoăn, chỉ có một số em hăng hái phát biểu, những bạn học yếu còn dụt dè, chưa mạnh dạn, tự tin nêu ý kiến của mình.

      Qua quan sát này tôi tự rút ra được bài học kinh nghiệm cho bản thân mình là: Hãy luôn tạo cơ hội cho các em suy nghĩ để giải quyết vấn đề. Muốn hình thành thói quen học tập hợp tác tôi nghĩ điều này không đơn giản. Bởi vì, sự hợp tác nó phải xuất phát từ nhu cầu muốn chia sẻ, trao đổi của bản thân học sinh. Vậy, trong các tiết học hàng ngày giáo viên phải biết xây dựng tình huống mà học sinh cần có sự hợp tác mới giải quyết được. Giáo viên phải luôn cởi mở, thân thiện với tất cả học sinh nhất là những học sinh nhút nhát, học sinh yếu để giúp các em tự tin, mạnh dạn trao đổi, thảo luận với các bạn và cô giáo trong giờ học.

    Đến bước luyện đọc diễn cảm, tôi thấy học sinh còn được luyện đọc ít. Nguyên nhân chính ở đây là giáo viên sợ hết giờ.Vậy, trong tiết dạy, chúng ta cần phân bố thời gian học tập cho hợp lý. Tôi rất tâm đắc ở phần thi đọc diễn cảm, với sự mạnh dạn tự tin, nét mặt rạng rỡ, ba em Hường, Phương và Khánh Linh đã hóa thân vào các nhân vật Gà Trống, Cáo và người dẫn chuyện rất tốt trước sự theo dõi chăm chú của các bạn trong lớp.

Học sinh đọc thuộc lòng bài thơ theo cách đọc phân vai

     Qua tiết dạy của đồng chí Phạm Thị Thanh Hòa, tôi đã rút ra cho mình một bài học là: Để có một giờ học thành công, giáo viên cần nghiên cứu kĩ mục tiêu bài học, xây dựng thiết kế bài học sao cho phù hợp với trình độ của học sinh, đưa ra các câu hỏi gần gũi với sự hiểu biết của học sinh, chuẩn bị tốt các điều kiện dạy và học. Đồng thời, lên phương án giải quyết các tình huống có thể xảy ra trong khi giảng dạy một cách linh hoạt.

       Buổi sinh hoạt chuyên môn nào cũng có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Tôi không chỉ học tập được những kinh nghiệm hay từ những thành công của tiết dạy, từ kinh nghiệm của đồng nghiệp trong buổi sinh hoạt chuyên môn sau khi dự giờ mà còn rút ra được những điều mà đồng nghiệp của mình chưa làm được để cải thiện, đổi mới phương pháp dạy học của mình trong mỗi bài học, môn học để từ đó tích lũy kinh nghiệm cho bản thân.

                                                                                                                                                    Dương Thị Thủy - GV Trường TH Tiền Phong